Hotline

0977 125 127

Email

[email protected]

Bất chợt bị cắt giảm lương hoặc sa thải khiến cuộc sống của không ít gia đình trẻ bị xáo trộn và trở nên ngột ngạt hơn.

Ba tháng nay gia đình Mai Thoa (Cầu Giấy, HN) luôn rơi vào tình trạng cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt. Trong nhà, bầu không khí căng thẳng luôn bao trùm. Tình trạng khẩu chiến giữa hai vợ chồng cô diễn ra như cơm bữa. 

Nguyên nhân là do anh N – chồng Thoa đột ngột bị sa thải vì công ty cắt giảm biên chế. Cũng biết những khó khăn về kinh tế mà gia đình phải đối mặt giai đoạn này, từ một phụ nữ thích mua sắm, hay tụ tập cafe tán gẫu với bạn, Thoa giảm hẳn, thậm chí cắt tiệt luôn những thú vui cuối tuần này. Ngay cả những buổi liên hoan công ty, Thoa cũng xin cáo lỗi không tới. 

Bình thường, Thoa hay chia sẻ với chồng về công việc, bạn bè. Nhưng gần đây, thấy chồng thường khó chịu, chán nản nên Thoa cũng ít tâm sự hơn. Chưa kể, cứ đả động đến ai đó có mức lương rủng rỉnh là chồng cô gắt gỏng và bỏ ngay ra ngoài. Không khí gia đình cứ như đeo thêm “hàng tấn đá”, mặt ai cũng nặng chình chịch.

Job Less
Một người trong nhà bị mất việc, sẽ ảnh hưởng lớn đến kinh tế gia đình (Ảnh minh họa)
Vào những ngày này, Thoa lại càng lo lắng khi cậu con trai chỉ 1 tháng nữa là bắt đầu nhập học. Khi ấy, cô sẽ phải đối mặt với nhiều khoản chi tiêu tốn kém trong khi lương kế toán chỉ vẻn vẹn 4 triệu đồng/tháng. Số tiền lương ít ỏi này, phải chi tiêu dè xẻn lắm Thoa mới lo đủ tiền ăn cho cả nhà. Hôm vừa rồi nhận lương, cô về than thở với chồng mấy câu, lập tức anh N lồng lên cáu gắt “Muốn tiêu nhiều thì làm thêm, tôi chịu. Tôi thất nghiệp đấy, cô phải để tôi sống với!”. Bữa cơm gia đình lại mỗi người ngồi một nơi trông rất “thảm”.
Khác với gia cảnh eo hẹp của gia đình Mai Thoa, Phan Tùng, 28 tuổi (Ba Đình, HN) vốn thu nhập khá, thuộc dạng khá giả mà nay cũng lâm vào cảnh bí bách vì cậu bị cắt giảm đáng kể tiền lương do công ty làm ăn thua lỗ.

Trước đây, Tùng nổi tiếng tiêu tiền không tiếc tay. Cậu cũng là nhân vật chủ chốt trong các cuộc tụ tập, nhậu nhẹt với bạn bè. Nhưng hơn 3 tháng nay, công ty gặp khó khăn, lương của Tùng đang từ 30 triệu bị giảm xuống còn 15 triệu. Thời bão giá, thứ gì cũng đắt đỏ mà bao nhiêu việc cần chi tiêu nên Tùng đành phải thoái thác các cuộc vui, thi thoảng lắm mới ăn nhậu ở ngoài.

gia đình dễ bị lục đục
Và khiến gia đình dễ bị lục đục vì bí bách tiền nong (Ảnh minh họa)

Là trụ cột chính trong gia đình, giờ lương bị cắt giảm một nửa, không có khoản ra khoản vào ở công ty như trước đồng nghĩa với việc chi tiêu ở nhà sẽ bị cắt giảm tới mức có thể. Trước đây, tiền tiêu vặt mỗi tháng của vợ chồng Tùng ít nhất cũng 10 triệu/tháng. Nhưng giờ, cả nhà phải chắt bóp, không dám vung mạnh tay vì còn phải lo cho con đi học. 

Đang tiêu tiền quen tay, bỗng dưng bị hạn chế nên vợ Tùng cũng thấy bí bách, khó chịu. Cô thường xuyên kêu ca, phàn nàn và so sánh này nọ. Đi làm về mệt, lại thấy vợ kêu ca cái này hay, cái kia thích mà chẳng được mua khiến Phan Tùng nhiều lần nổi giận. 

Tuần trước, bạn thân của Tùng cưới. Nếu trước đây Tùng là người có mặt sớm nhất và vung tay mua quà cáp hoành tráng thì lần này cậu đành ngậm ngùi cáo bận với lý do đang đi công tác xa. Thay vì xuất hiện, Tùng chỉ gửi quà mừng cho đỡ tốn kém. 
Kinh Oanh, nhân viên kế toán Công ty Vận tải T.M (Long Biên) cũng trong tình trạng mệt mỏi và cáu kỉnh vì chồng thất nghiệp. Là người nhẹ nhàng và tâm lý, một mặt Oanh tránh đả động không nhắc từ “mất việc”, “thất nghiệp” với chồng, mặt khác cô gồng mình làm thêm tối ngày giữ cân bằng chi tiêu trong gia đình. 
Nhận làm thu ngân ngoài giờ cho một siêu thị, công việc của Oanh chỉ kết thúc trước 11h đêm. Mệt mỏi là vậy, khi về nhà con cái vẫn chưa được chồng cho đi ngủ, bát đũa, nhà cửa lộn xộn khiến Oanh không khỏi ức chế. Nhiều lúc muốn to tiếng cãi vã với chồng để xả hết cục tức nhưng cô đành phải nuốt hết bực dọc vào trong vì sợ chồng tự ái.
Những lúc đi đường thấy nhiều tờ rơi tuyển việc, Oanh cũng cố tình mang về và lén để trên bàn cho chồng đọc. Thế nhưng khi thủ thỉ bảo chồng tìm việc, mới nói được nửa câu chồng Oanh đã ngắt lời, tỏ ý khó chịu.  
Oanh buồn bã nói: “Từ ngày mất việc anh đâm ra khó tính. Biết anh buồn, tôi cũng nhẫn nhịn nhiều nhưng nhưng động 1 tí là anh cáu bẳn, nổi đóa. Anh mất việc tôi đâu sung sướng. Mọi chi tiêu đều đổ lên đầu tôi. Tôi chịu hết nổi rồi”. 

Chịu hết nổi, lại không thể thể hiện cảm xúc ức chế ở nhà, cô đành trút stress lên công việc và những người Oanh gặp hàng ngày. Ai cũng bảo Oanh khó tính, ngày càng cáu kỉnh, khó chịu, chẳng ai muốn ở gần. Nhưng có ai biết đâu, cô và rất nhiều người vợ khác đang lâm vào cảnh bí bách, gia đình lao đao vì chồng bỗng nhiên thất nghiệp hoặc bị cắt giảm lương.

Tin nổi bật