“Tôi đã nhắm mắt, lao đi tới 100km/h trong đêm để mong được kết thúc những đau đớn khủng khiếp. Nhưng số phận lại bắt tôi phải sống để trưởng thành hơn, tốt đẹp hơn. Tôi đã đứng dậy từ gầm một chiếc xe tải, không một vết xước, phủi bụi trên người và quay trở về… “ – Linh Nga, nữ diễn viên xinh đẹp tài năng một thời, nói về cái ngày mà cô được “sống lại lần nữa”.
Từng đi qua một số cơn sốc
– Tốt nghiệp loại xuất sắc khoa Đạo diễn Trường Sân Khấu Điện Ảnh Việt Nam. Lý do gì khiến chị quyết định đi Mỹ học ngay khi chưa tham gia làm một bộ phim nào tại Việt Nam, phải chăng chị muốn “chạy trốn” dư luận?
– Thực ra tôi đã làm và phát hành phim Truyền hình đầu tay vào năm 2002 đó là phim Xuôi ngược đường trần (3 tập – mỗi tập khoảng 70 phút ). Khi làm phim Xuôi ngược đường trần tôi mới bước vào năm học thứ hai tại trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh. Với phim này tôi đã phải rất vất vả để sản xuất phim vì thời điểm đó mình còn quá trẻ để có thể lấy được niềm tin trong mắt đồng nghiệp. Hơn nữa, tôi lại vừa viết kịch bản, vừa đóng vai chính và vừa đồng đạo diễn phim nên sức lực bị bào mòn đến hao kiệt. Tuy nhiên Xuôi ngược đường trần đã thành công và đạt giải A phim Truyền hình toàn quốc năm 2002. Tuy chỉ là một bộ phim Truyền hình nhưng Xuôi ngược đường trần đã và sẽ luôn là một kỷ niệm không thể quên trong suốt cuộc đời làm phim của tôi và với tôi. Bởi Xuôi ngược đường trần là một bộ phim đầu tay thực sự với tất cả tâm huyết và đam mê trong sáng.
Lý do tôi quyết định đi học tại Mỹ xuất phát từ sự “tò mò” và “ham muốn phiêu lưu”. Nói như đùa vậy nhưng lại là sự thực. Tôi chắc rằng bất kỳ một sinh viên Điện ảnh nào ở Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung đều mong muốn được tiếp cận với điện ảnh Mỹ, vốn là nền Điện Ảnh lớn nhất và thành công nhất hiện nay. Tôi xem nhiều loại phim, trong đó phần lớn là phim Mỹ. Tôi rất khâm phục những sáng tạo và tính quyết liệt trong phương pháp làm phim của họ. Vì vậy, tôi đã quyết định sang Mỹ du học vào đầu năm 2008 khi có cơ hội.
– Cụ thể chị đã học được những gì tại đó?
– Tôi vừa tốt nghiệp khóa học ngắn hạn về Computer và American – English. Hiện tôi đang nghỉ để đợi khóa học chính thức tại trường California State University Long Beach bắt đầu vào mùa thu. Tôi sẽ theo học chuyên nghành Film Editing (dựng phim). California State University Long Beach là một trong hai đại học lớn nhất của tiểu bang California với nhiều chi nhánh và nhiều ngành học khác nhau. Theo tôi được biết thì Đạo diễn nổi tiếng Steven Spielberg – là cha đẻ của những phim gạo cội như : Saving private Ryan (Giải cứu binh nhì Ryan), Jaw (Hàm cá mập).. và nữ ca sỹ có chất giọng vàng Karen Carpenter thuộc nhóm nhạc The Carpenters đều từng học tập và tốt nghiệp từ California State University Long Beach.
– Điều đầu tiên mà chị cảm nhận được ở nước Mỹ là gì?
– Mọi quan điểm tại Mỹ đều bắt đầu ở sự tôn trọng con người, tôn trọng chính bản thân mình. Giáo dục ở Mỹ không dùng phương pháp bắt buộc hay nhồi nhét mang tính tập thể mà ngược lại ở Mỹ, bạn học là cho bạn, kiến thức là kiến thức của bạn, vì vậy bạn thành công hay thất bại tất cả là ở chính bạn. Bài học quý nhất mà tôi được học đó là “ý thức quyết định phần lớn vào những kết quả bạn đạt được, và sự tự biết tôn trọng bản thân mình đồng nghĩa với việc bạn biết tôn trọng những người khác và thế giới xung quanh bạn”.
Vẫn là người đẹp với đôi mắt chứa nhiều nỗi buồn…
– Có một sự “sốc về quan điểm nghệ thuật” hay “sốc về chuyên môn” nào không trong những ngày đầu khi chị tiếp cận với cách dạy làm điện ảnh kiểu Mỹ?
– Tôi không bị sốc trước bất kỳ điều gì mình nhìn hoặc cảm thấy ở nước Mỹ. Có nhiều điều mới lạ, có nhiều sự thành đạt choáng ngợp mà chỉ ở Mỹ mới có thể có được… nhưng tôi không để ý nhiều. Điều này một phần có lẽ vì tôi đã từng đi qua một số cơn sốc khá mạnh, mà cũng có thể vì tôi không dễ dàng bị hấp dẫn bởi “những thứ không phải là của mình”…
Tôi đã phải đau nhiều vì điện ảnh
– Chị định hướng con đường điện ảnh của mình trong tương lai như thế nào? Nghệ thuật hay thị trường?
– Tôi không đi theo một quan điểm nào trong hai quan điểm trên. Tôi cho rằng, nghệ thuật hay thị trường không quan trọng, vấn đề là tính mục đích. Chúng ta sáng tạo ra một tác phẩm nghệ thuật để làm gì, phục vụ cho ai? Một bộ phim, một bản nhạc, một ca khúc sẽ có giá trị gì không nếu ra đời chỉ để thỏa mãn cho chính những người sáng tạo ra nó? Giống như bạn tự nấu một nồi canh rồi tự ngồi ăn một mình, tự tấm tắc khen mình nấu ăn ngon vậy.
– Ngược lại, bộ phim, bản nhạc, ca khúc đó cũng sẽ nhạt nhẽo, vô nghĩa nếu người sáng tạo nó không coi trọng những giá trị tâm huyết với nghệ thuật. Giống như một người nấu ăn chỉ biết tung, ném gia vị và nguyên liệu một cách vô lối vào nồi rồi châm lửa. Thử hỏi nồi thức ăn sẽ ra sao?
– Tôi nghĩ rằng, một tác phẩm nghệ thuật tồn tại độc lập với chính nó. Vì nếu nó ra đời với tình yêu đích thực, với tâm huyết cháy bỏng và với sự kỳ công chăm bón thì dù nó ở ngưỡng nào, dòng nào cũng sẽ trở thành một tác phẩm có giá trị. Có thể ví dụ điển hình như bộ phim Titanic (1997) của đạo diễn James Cameron. Đó là một trong những bộ phim ăn khách nhất trong lịch sử Hollywood và cũng là bộ phim có giá trị nghệ thuật cao từ phía đánh giá của giới phê bình trên thế giới.
Với tôi, đam mê và cố gắng hết sức mình để biểu đạt những xúc cảm của một nghệ sỹ một cách trong sáng nhất sẽ mang lại sự thành công của một tác phẩm. Tôi sẽ đi đến cùng con đường mà mình đã chọn lựa và quyết tâm theo đuổi. Tôi đã phải trả giá và đau nhiều trong sự nghiệp điện ảnh. Đó dù sao cũng là những động lực mạnh mẽ để tôi tiếp tục vươn lên.
– Phải chăng bởi chị là một cô gái trẻ và đẹp nên chính vì thế mà người ta có cái cớ để không tin vào tài năng của chị?
– Tôi không muốn khơi gợi lại những nỗi đau cũ từ những định kiến eo hẹp đã tàn phá tâm hồn tôi khi còn rất trẻ. Tôi đã từng cho rằng con người của mình đã chết đi một lần và rồi được hồi sinh để sống và để được tốt đẹp hơn. Tôi đã từng tin quá nhiều để rồi bị trượt dốc xuống đáy vực của thất vọng. Sau ba năm kể từ cái ngày ngồi dưới đáy vực ấy, tôi đã trèo lên tới mặt vực và quyết tâm sẽ sống với tất cả trái tim mình.
Từ ấy, tôi đã hoàn toàn khác, biết cười cợt vào mọi thói hư tật xấu và những chuyện lố bịch ở đời, biết nâng niu trân trọng những giá trị tốt đẹp của tình người và tài năng, biết chịu đòn mà không cần đánh trả, biết yêu và biết chấp nhận không được yêu… Có thể nói, sự tàn phá tệ hại nhất đã giết chết niềm tin trong sáng của tôi ở thời điểm đen tối ấy chính là từ “sự hèn nhát” và “sự thấp kém trong phẩm hạnh của con người, đồng nghiệp, bạn bè… giành cho nhau.
Giống như khi tất cả chúng ta cùng đi trên một chiếc thuyền. Gặp con sóng dữ đánh cho thuyền chìm. Những người đi trên chiếc thuyền ấy cuống quýt, hoảng loạn, điên rồ, giẫm đạp lên nhau mà tìm cách thoát thân. Và ngay cả những người bạn đã đồng hành cùng ta trên suốt một chặng đời cũng nhẫn tâm đạp lên đầu ta để nhảy lên bờ. Rồi, ở cái tuổi 20, tôi bẽ bàng nhận ra nhiều chân lý và nhiều phi lý… Tôi đã nhắm mắt, lao đi tới 100km/h trong đêm để mong được kết thúc những đau đớn khủng khiếp. Nhưng số phận lại bắt tôi phải sống để trưởng thành hơn, tốt đẹp hơn. Tôi đã đứng dậy từ gầm một chiếc xe tải, không một vết xước, phủi bụi trên người và quay trở về…
– Chị có kế hoạch gì với phim ảnh trong thời gian tới đây không?
– Tôi sẽ về thăm gia đình và bạn bè trong thời gian trước khi nhập học. Thời gian này tôi và Khánh Thi (nữ vận động viên Dance Sport số 1 của Việt Nam, và cũng là nữ diễn viên chính trong phim tốt nghiệp Đại Học Sân khấu và Điện ảnh “Quỳnh” của Linh Nga) có dự định sẽ sản xuất và phát hành một DVD ca nhạc mà Khánh Thi sẽ là ca sỹ chính của DVD đó. Đây là một khả năng nghệ thuật sáng giá thứ hai của Thi và việc thực hiện DVD ca nhạc là mong muốn đã từ lâu của Thi. Tôi muốn giúp Thi sản xuất thành công DVD này giống như một lời cảm ơn sâu sắc trước sự đóng góp và hy sinh của Thi cho bộ phim tốt nghiệp của tôi. Bộ phim được thành công như vậy đó là nhờ vào sự hết mình của những diễn viên như Khánh Thi, Lệ Hằng.. và của những anh em đồng nghiệp đã chung lưng đấu cật cùng tôi thời điểm ấy.
Còn những kế hoạch lớn hơn, như một bộ phim mà tôi đạo diễn. Đó là một kế hoạch lớn và dài hơi, cần thời gian, kinh nghiệm, sự học tập và sự chuẩn bị kỹ lưỡng nên tôi chưa thể khẳng định lúc này. Tuy nhiên, sau khi kết thúc chương trình học tập tại Mỹ, tôi rất mong có cơ hội và cơ duyên được quay một (hoặc nhiều) bộ phim về quê hương mình.